0

Thận trọng với tổn thương gan và móng do thuốc

Nhiều bệnh nhân thắc mắc là tại sao khi uống thuốc lại có những dấu hiệu tổn thương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Đây là những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra. Dưới đây là một số tổn thương cơ thể do thuốc và biện pháp khắc phục.

 

Tổn thương gan do thuốc kháng giáp

 

Tổn thương gan là một trong những tác dụng phụ ít gặp nhưng tương đối nguy hiểm của các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp như methimazole, carbimazole, propylthiouracil (PTU). Nguy cơ gây nhiễm độc gan khác nhau giữa các loại thuốc kháng giáp.

 

Theo một số nghiên cứu, có tới 30% số bệnh nhân dùng PTU có tăng men gan trong quá trình điều trị, biểu hiện này có thể lành tính và tự hết cho dù thuốc tiếp tục được sử dụng hoặc tiến triển nặng dần thành viêm gan. Nói chung, các biểu hiện tổn thương gan thường xuất hiện sau dùng PTU trung bình 3 tháng. Tỷ lệ tử vong trong những trường hợp tổn thương gan nặng do PTU lên tới 25 - 50%.

 

 Thận trọng tổn thương gan và móng do thuốc

 

Viêm gan do PTU gây ra theo cơ chế dị ứng, biểu hiện chủ yếu là men gan tăng rất cao và có các ổ hoại tử lớn ở nhu mô gan trên mẫu sinh thiết gan. Với các trường hợp này cần ngay lập tức dừng sử dụng PTU và xử trí các biến chứng của tình trạng suy tế bào gan. Tuy không cần thiết phải theo dõi định kỳ chức năng gan cho tất cả các bệnh nhân sử dụng PTU, nhưng những bệnh nhân có tăng men gan sớm trong quá trình dùng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm ngăn chặn các diễn biến nặng của bệnh.

 

Tổn thương gan do methimazole và carbimazole ít gặp hơn so với PTU, biểu hiện hay gặp nhất là tình trạng ứ mật. Sau khi ngừng thuốc, tổn thương gan thường hồi phục hoàn toàn nhưng tương đối chậm. Do cơ chế gây tổn thương gan của PTU khác với methimazole và carbimazole nên trong những trường hợp bị tổn thương gan do một loại kháng giáp có thể cân nhắc sử dụng một thuốc khác nhóm nếu không có những phương pháp điều trị khác thay thế, tuy nhiên, việc điều trị này cũng cần được theo dõi chặt chẽ.

 

Tổn thương móng do thuốc

 

Tổn thương này có thể gây ra theo nhiều cơ chế khác nhau nhưng hầu hết các trường hợp là hậu quả của tình trạng nhiễm độc cấp tính đối với tế bào biểu mô móng. Một số trường hợp chỉ gây ra các vấn đề về thẩm mỹ nhưng một số trường hợp khác có thể gây đau nhức ở móng dẫn đến hạn chế vận động.

 

Tổn thương móng do thuốc thường xảy ra tạm thời và tự biến mất khi dừng thuốc, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tháng. Rất nhiều loại thuốc có thể gây ra các bất thường ở móng với những mức độ khác nhau, dưới đây là đặc điểm thường gặp của các tổn thương móng do một số nhóm thuốc:

 

Kháng sinh nhóm tetracycline: Các kháng sinh nhóm này đều có thể làm cho móng chuyển màu vàng, bong móng hoặc chuyển màu xanh xám ở gốc móng.

 

Các thuốc chống đông máu: đặc biệt là warfarin nếu dùng ở phụ nữ có thai có thể gây cản trở quá trình phát triển móng của thai nhi, hậu quả là trẻ đẻ ra sẽ có biểu hiện từ giảm sản móng đến hoàn toàn không có móng. Tình trạng giảm sản móng có thể tự cải thiện một phần sau vài tháng. Thuốc chống đông còn có thể gây xuất huyết dưới móng, thường liên quan đến nhiều móng và biểu hiện rõ ở móng chân.

 

Thuốc chống co giật carbamazepine, hydantoin, trimethadione và valproic acid nếu được dùng ở phụ nữ có thai có thể gây giảm sản móng tay và móng chân ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nếu dùng ở người trưởng thành, các thuốc này còn có thể gây tăng sắc tố móng, tiêu móng hoặc bong móng từng lớp.

 

Thuốc diệt virut lamivudine, azidothymidine (AZT) và indinavir có thể bị nổi các hạt ở móng tay và móng chân. Các hạt này thường gây đau nhức, tiết dịch và chảy máu, ở một hoặc nhiều móng. Tổn thương móng do thuốc diệt virut thường xuất hiện sớm sau điều trị và có liên quan đến liều dùng.

 

Ngoài các tổn thương trên, một số bệnh nhân dùng AZT còn có biểu hiện chậm phát triển móng và rối loạn sắc tố móng ở nhiều dạng khác nhau, thường gặp ở móng tay hơn so với móng chân. Các rối loạn sắc tố móng do thuốc diệt virut thường hồi phục sau 6 - 8 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tháng sau khi ngưng dùng thuốc.

 

Thuốc chẹn bêta giao cảm: Các thuốc chẹn bêta giao cảm, đặc biệt propanolol, có thể gây co mạch và làm giảm tưới máu ở ngọn chi, từ đó dẫn đến các tổn thương hoại tử hoặc nhồi máu ở giường móng. Các triệu chứng này thường giảm dần khi ngưng dùng thuốc.

 

Hóa chất chống ung thư: Các hóa chất chống ung thư có thể gây tổn thương móng dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Biểu hiện thường gặp nhất là các đường lõm ở móng hoặc bong móng từng lớp, đây là các dấu hiệu điển hình của tình trạng nhiễm độc tế bào mầm móng dẫn đến giảm tạm thời hoặc ngưng hẳn quá trình tạo móng.

 

Các biểu hiện này thường xuất hiện sau dùng thuốc 2 -3 tuần và biểu hiện đồng thời ở tất cả các móng với mức độ tổn thương tương đương nhau. Tách móng cũng là một biểu hiện thường gặp. Móng bị tách chuyển thành máu trắng đục và có thể gây đau. Các tổn thương này đều có khả năng hồi phục khi ngưng sử dụng thuốc.

 

 

 

ThS. Nguyễn Khánh

 

 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."