0

Ho có phải là một bệnh?

Ho tuy đơn giản nhưng không được chủ quan, cần tìm ra nguyên nhân để điều trị dứt điểm, tránh ho kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Trong cuộc sống hằng ngày, ho là một triệu chứng rất hay gặp như khi có thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, hít phải nhiều bụi, khói (khói thuốc, khói bếp, khói lò...). Ho tuy đơn giản nhưng không được chủ quan và khi bị ho cần tìm ra nguyên nhân gây ra ho để điều trị dứt điểm, tránh ho kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe.


 

Ho- một phản xạ của cơ thể, không nên xem thường.
Ho- một phản xạ của cơ thể, không nên xem thường.

 

Ho là gì?

 

Ho là một phản xạ để tống ra ngoài các chất tiết, dị vật, vi sinh vật... có ở đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) do đó ho cũng có thể coi như một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho có khi kéo dài nhiều ngày, mỗi một cơn ho có khi ngắn nhưng có khi rất dài làm cho người bệnh cực kỳ khó chịu và mệt lả. Ho không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của nhiều bệnh.

 

Tại sao bị ho?

 

Ho là một phản xạ nhằm bảo vệ đường hô hấp vì vậy khi có một vật lạ xâm nhập vào đường hô hấp làm cho niêm mạc đường hô hấp bị viêm, co thắt, bị chèn ép hoặc hít phải khói, khí độc, bụi (khói thuốc, hơi một số hóa chất như hơi của khí clo...) làm tổn thương niêm mạc đều có thể gây nên cơn ho. Ngoài ra các chất tiết được tiết ra ở đường hô hấp như nhày mũi, nhày họng cũng có thể gây nên triệu chứng ho hoặc đôi khi ăn, uống bị sặc cũng có thể gây nên cơn ho.

 

Có bao nhiêu loại ho?

Có rất nhiều loại ho, tùy theo tính chất của từng cơn ho mà người ta đặt tên cho nó:

 

- Ho khan: Ho khan là loại ho mà hầu như không có đờm, càng ho người bệnh càng cảm thấy rát cổ họng, tức ngực và đôi khi thấy đau ở vùng ngang rốn do khi ho cơ hoành bị co thắt, đẩy lên hạ xuống nhiều lần liên tiếp. Ho khan thường gặp trong bệnh cúm, người nghiện thuốc lá, thuốc lào, người ngửi phải nhiều khói bếp (bếp than, bếp củi, rơm rạ...). Ho khan nhiều khi cũng gặp trong một số trường hợp bị cảm lạnh đột ngột.

 

- Ho có đờm (đờm nhiều hoặc ít, đờm lỏng hoặc sánh, đặc): Đờm là biểu hiện của chất nhày được tiết ra ở niêm mạc đường hô hấp bị viêm. Ho có đờm thường gặp trong viêm phế quản, bệnh hen (viêm phế quản co thắt ở trẻ nhỏ), viêm long ở giai đoạn đầu của bệnh sởi, thủy đậu... Trong bệnh viêm phế quản (cấp và mạn tính) do vi khuẩn hoặc do virut đều có triệu chứng ho rất điển hình.

 

- Ho kèm theo có khó thở thường xuyên hoặc thở từng cơn thường gặp trong hen phế quản, bệnh suy tim...

 

- Ho dai dẳng kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng có khi nhiều năm hoặc từng đợt như ho trong bệnh hen phế quản, bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản ở người nghiện thuốc lá, thuốc lào. Ho trong các trường hợp này thường về đêm, nhất là mùa lạnh và bài tiết nhiều đờm.

 

- Ho từng cơn kéo dài kèm chảy nước mắt, mũi như trong bệnh ho gà. Bệnh thường gặp ở trẻ chưa được tiêm phòng vaccin bệnh ho gà. Cơn ho thường xuất hiện ban đêm, ho kéo dài làm cho bé mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi và rất mệt mỏi do cơn ho và do cả mất ngủ kéo dài.

 

- Ho ra máu tươi hay gặp trong lao phổi, đôi khi gặp trong viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản.

 

- Người ta cũng gặp ho dị ứng mà chưa xác định được nguyên nhân nhưng khi dùng thuốc chống dị ứng thì hết cơn ho. Ngoài ra còn có thể gặp ho do cảm lạnh.

 

Khi bị ho nên làm gì?

 

Khi bị ho nên đi bác sĩ khám để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị hoặc đến cửa hàng thuốc hỏi ý kiến dược tá để mua thuốc là không nên một chút nào bởi vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Ví dụ một người bị ho do hen phế quản mà tự ý mua thuốc ho hoặc dược tá chỉ vì mục đích bán được thuốc, không biết chống chỉ định khi dùng thuốc ho có dẫn chất của thuốc ức chế hô hấp thì cực kỳ nguy hiểm. Do vậy người bệnh cần khám bệnh ở cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây ho (tức là xác định bệnh gì) và phải điều trị đúng bệnh thì vừa khỏi bệnh và vừa hết ho. Một điều lưu ý nữa là không phải người bệnh nào bị ho cũng dùng kháng sinh vì kháng sinh chỉ dùng khi biết chắc chắn là có nhiễm khuẩn. Nếu do virut thì không cần thiết dùng kháng sinh, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn.

 

Nên vệ sinh răng, họng, miệng hằng ngày. Nếu có nghiện thuốc lá, thuốc lào nên bỏ đặc biệt là những người bị bệnh hen, bệnh tim, bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, bệnh lao phổi và trong nhà có trẻ em thì việc bỏ thuốc lá, thuốc lào càng sớm càng tốt. Cần vệ sinh môi trường, hoàn cảnh trong từng gia đình, thôn xóm, khu phố, phường. Những vùng nông thôn đang dùng bếp củi, bếp rơm rạ nên sử dụng loại bếp ít khói.

 

ThS. BS. Bùi Mai Hương (Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội


 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."