0

Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ trong mùa nắng nóng

Đối với trẻ em, tiêu chảy cấp vẫn được xem là một trong những bệnh lý phổ biến và được xem là một trong những “hung thần”. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ em dưới 2 tuổi.

>>> Thuốc điều trị tiêu chảy cấp

>>> Chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy

>>> Cần phát hiện sớm bệnh của trẻ trong mùa hè

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,5 tỉ lượt trẻ em bị tiêu chảy, trong đó có từ 1,5 - 2,5 triệu trường hợp tử vong, phần lớn trẻ tử vong do tình trạng mất nước nặng dẫn đến suy kiệt và trụy mạch.

 

Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ trong mùa nắng nóng

 

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

 

Có rất nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy cho trẻ em. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học được công bố, tại Mỹ và những quốc gia đang phát triển bệnh tiêu chảy thường do các loại vi sinh vật như: vi khuẩn, siêu vi trùng (thường gọi là virút) hoặc vi nấm có hại tấn công hệ tiêu hóa và gây các loại bệnh tiêu chảy trên người.

 

Ngoài tiêu chảy cấp mất nước nặng phải nhập viện xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ từ 6 tháng - 24 tháng tuổi) do Rota virút, một số vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em cần phải chú ý vì mức độ nguy hiểm và những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

 

Vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy đáng chú đầu tiên là vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), loại vi khuẩn có độc lực rất mạnh. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả rất rầm rộ, diễn biến phức tạp, người bệnh bị mất nhiều nước và chất điện giải trong một thời gian rất ngắn, chính vì vậy bệnh nhân rất dễ bị trụy tim mạch và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

 

Vi khuẩn thương hàn (Salmonella) cũng là một “hung thủ” đáng sợ trong bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng. Vi khuẩn thương hàn thuộc họ vi khuẩn đường ruột, có khả năng gây bệnh cho nhiều người trong đó có đối tượng trẻ em. Tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn cũng chủ yếu lây theo đường ăn uống, nhất là việc ăn những loại hải sản tươi sống chưa được nấu chín.

 

Ngoài triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa như: đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, vi khuẩn thương hàn còn gây nhiễm trùng huyết (một thể bệnh rất trầm trọng với nguy cơ tử vong rất cao). Một biến chứng thường gặp của bệnh thương hàn là có thể thủng ruột, nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu không kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

 

Tiêu chảy mùa nắng nóng do vi khuẩn lỵ (vi khuẩn Shigella). Đây là loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nặng nề thể hiện qua tình trạng đi tiêu của bệnh nhân như bệnh nhân đau tức bụng, mót rặn kèm tiêu phân nhầy nhớt hoặc có máu rất nhiều lần trong ngày, một số bệnh nhân có biểu hiện sốt vừa hoặc sốt cao (39 - 40oC).

 

Tiêu chảy do vi khuẩn lỵ cũng thuộc loại tiêu chảy cấp tính, có thể gây tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, đặc biệt là tình trạng nhiễm độc thần kinh cơ may cứu sống bệnh nhân là rất thấp. Vi khuẩn E.coli cũng là một trong những tác nhân gây bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng rất thường gặp. Vi khuẩn này hiện diện trong phân người và động vật, vì vậy chúng “có mặt” nhiều nơi trong tự nhiên như đất, nước, không khí, bụi, rác thải, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

 

Mùa nắng nóng là mùa có điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn E.coli hoành hành và gây bệnh cho con người, nhất là đối tượng trẻ em, thường vào thời điểm từ tháng 3 - tháng 7 hàng năm.

 

Bệnh tiêu chảy do E.coli gây ra cũng thuộc loại tiêu chảy cấp, nếu không phát hiện sớm và có hướng xử lý kịp thời thì bệnh ngày một trầm trọng hơn vì tình trạng mất nước do tiêu chảy và nôn ói. Bệnh có thể lây lan theo đường ăn uống do nước, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bàn tay bị nhiễm bẩn. Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli hiện vẫn được xem là bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ.

 

Đề phòng tiêu chảy cấp ở trẻ trong mùa nắng nóng

 

Một số nguyên tắc quan trọng trong điều trị tiêu chảy cấp tại nhà

 

Phần lớn trẻ em mắc bệnh tiêu chảy cấp “thể không mất nước” được bác sĩ cho chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà. Để giúp trẻ bệnh mau hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cấp, phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc điều trị sau đây:

 

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nếu trẻ còn bú mẹ cần cho bú nhiều và lâu hơn vì sữa mẹ cung cấp một lượng nước đáng kể giúp đề phòng tình trạng mất nước. Trẻ lớn hơn từ 6 tháng - 5 tuổi có thể bù nước cho trẻ bằng đường uống bằng bất cứ loại nước uống nào mà trẻ thích uống như nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.

 

Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần có thể vừa bị mất nước vừa bị mất muối khoáng, phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống thêm dung dịch Oresol (còn gọi là ORS hay nước biển khô) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói với lượng từ 50 - 100ml tùy theo độ tuổi của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ uống những loại nước không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nước giải khát chứa nhiều đường ngọt hoặc có nhiều bọt hơi như sô đa, 7-Up, xá xị, pepsi, Coca cola… vì sẽ làm bệnh tiêu chảy trầm trọng hơn.

 

Tiếp tục cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết: trẻ còn đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ (bú mẹ ít nhất 8 lần mỗi ngày). Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục được duy trì bằng những loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng sẽ giúp trẻ dễ tiêu mà mau lành bệnh như cháo dinh dưỡng, súp nóng, sữa bột các loại theo từng lứa tuổi của trẻ.

 

Ở những trẻ khó khăn trong ăn uống như trẻ bị nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ hơn giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn cần thiết. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn nhiều hơn để trẻ hồi phục dinh dưỡng sau khi bị bệnh. Bổ sung cho trẻ lượng kẽm cần thiết: nhân viên y tế nên khuyến cáo cha mẹ bổ sung cho trẻ một lượng kẽm cần thiết bằng đường uống dưới dạng viên hoặc nước.

 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã khẳng định sử dụng liệu trình ngắn hạn điều trị tiêu chảy bằng chất kẽm 10 - 20mg mỗi ngày, trong 10 - 14 ngày đã làm giảm mắc bệnh tiêu chảy trong vòng 2 - 3 tháng tiếp theo. Khi trẻ bị tiêu chảy, việc sử dụng chất kẽm nhất thiết phải có sự tư vấn hoặc chỉ định của bác sĩ.

 

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị những trường hợp tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn phải có sự chỉ định của bác sĩ, phụ huynh nên tuân thủ những hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng theo khuyến cáo của bác sĩ về loại kháng sinh sử dụng, liều lượng thuốc và thời gian sử dụng cho đủ một đợt điều trị.

 

Cha mẹ không nên tự ý tăng giảm liều thuốc kháng sinh hoặc tự ý mua kháng sinh về điều trị cho trẻ, việc này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc còn gọi là lờn thuốc sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị bệnh cho trẻ sau này, nặng nề hơn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.

 

Ngoài ra,phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh tiêu chảy của trẻ (số lần đi tiêu chảy, tính chất phân, tình trạng sốt, việc ăn uống, sinh hiệu…). Cha mẹ cần đưa trẻ trở lại ngay cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có một trong các biểu hiện gợi ý sau:

 

- Trẻ bú kém.

 

- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.

 

- Trẻ bị sốt cao liên tục 39 - 40oC

 

- Trẻ khát nước nhiều.

 

- Trẻ đi phân có máu.

 

- Trẻ lừ đừ, mệt mỏi.

 

- Trẻ nôn ói quá nhiều.


Phòng bệnh tiêu chảy cấp hiệu quả cho trẻ mùa nắng nóng

 

Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý những biện pháp sau đây:

 

- Thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ và làm giảm đáng kể tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

 

- Khi cho trẻ ăn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước sử dụng, không nên cho trẻ ăn rau sống hoặc ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín, tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thức ăn đã bị ôi thiu, không uống nước lã (nước chưa được đun sôi).

 

Mùa nắng nóng làm trẻ rất dễ bị khát nước, vô tình trẻ có thể uống bất cứ những loại nước giải khát nào sẵn có, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ không nên ăn, uống các loại thức ăn và nước giải khát bán dạo, mất vệ sinh vì có thể làm trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

 

- Giữ sạch đôi tay cho trẻ bằng khuyến khích việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi trẻ chơi đùa. Rửa sạch đôi bàn tay có thể làm giảm hơn 50% các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Phụ huynh cũng cần chú ý giữ sạch đôi tay của mình trước khi chế biến, nấu nướng thức ăn cho trẻ, nhất là trước khi đút cho trẻ ăn.

 

- Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin sẵn có liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ sẽ giúp phòng ngừa chủ động hiệu quả các bệnh lý tiêu chảy nguy hiểm như: vắc-xin phòng bệnh tả, vắc-xin phòng bệnh thương hàn hoặc vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rota virút (dạng uống).

 

 

ThS.BS. Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi đồng 1)

 

 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."