0

Trầm cảm và thách thức mới

Trầm cảm là một rối loạn nội khoa rất phổ biến, nó phổ biến hơn cả bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Nghiên cứu của Viện Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ phát hiện rằng, 5,8% dân số Mỹ mắc trầm cảm, trong đó nữ gấp đôi nam.


>>> Bệnh tưởng - Giả mà thật

>>> Trầm cảm sau sinh: SOS!

 

Rối loạn trầm cảm tồn tại ngoài sự nhận biết của người bệnh.

Rối loạn trầm cảm tồn tại ngoài sự nhận biết của người bệnh.

 

Trong đời sống, tất cả chúng ta đều có nhưng ngày vui, buồn. Và cũng không có gì là bất thường khi cảm xúc có những thay đổi đáng kể trong một ngày, những vui buồn bất chợt. Thăng trầm trong cuộc sống, thành công hay thất bại trong công việc, sự nghiệp đều khiến ta vui hay buồn. Khi gặp sự cố gây stress, chúng ta có thể cảm thấy thất vọng, buồn rầu, chán nản từ vài phút đến một hai ngày, đó cũng là phản ứng tâm lý bình thường.

 

Nhưng nếu nỗi buồn trở nên nặng nề, dai dẳng, ảnh hưởng tới khả năng của một cá nhân trong công việc, học tập, trong các mối quan hệ xã hội và từ đó gây ra các rối loạn khác của cơ thể, cảm xúc buồn khi đó được xem là bất thường và các nhà tâm lý lâm sàng và tâm thần học gọi là rối loạn cảm xúc trầm cảm.

 

Rối loạn trầm cảm có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng.

 

Trạng thái nhẹ thường khó phân biệt với bình thường: người trầm cảm nhẹ có thể không buồn cả ngày, nhưng họ thường thấy một viễn cảnh tối tăm, u ám hoặc cảm thấy thất vọng.

 

Trong trạng thái trầm cảm vừa, người bệnh không có khả năng hoàn thành các chức năng thông thường của họ như làm việc hoặc duy trì các công việc trong gia đình.

 

Trong trạng thái nặng, người bệnh có nguy cơ tự sát cao, họ ăn uống không đầy đủ, kém chăm sóc bản thân... ảnh hưởng đến sức khỏe. Đôi khi, họ có những biểu hiện của triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng.

 

Ở Việt Nam, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đủ lớn, có hệ thống với phương pháp chặt chẽ về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nghiên cứu tại một xã nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ và một phường tại thành phố Hà Nội cho thấy tỷ lệ trầm cảm là 2% - 5% dân số.

 

Khó khăn trong chẩn đoán


Những nghiên cứu chỉ ra rằng, chẩn đoán về trầm cảm của các bác sĩ khám xét ban đầu chỉ chính xác vào khoảng 39% - 50%, nghĩa là đúng dưới một nửa. Đa số bệnh nhân đến khám chỉ phàn nàn về các triệu chứng cơ thể, họ coi nhẹ hoặc thậm chí phủ nhận mình có vấn đề về tâm lý, tâm thần. Một phần là do cơ chế phòng vệ, họ mặc cảm, xấu hổ nếu bị chẩn đoán bệnh thuộc tâm thần.

 

Mặt khác, trầm cảm tồn tại ngoài sự nhận biết của người bệnh. Nhiều bệnh nhân không thể xác định trạng thái cảm xúc của mình nên họ không trình bày, thảo luận với bác sĩ một cách cởi mở, trực tiếp về vấn đề của mình. Kết quả là họ thường được điều trị mang tính điều trị triệu chứng chứ không được điều trị vấn đề nền tảng là bệnh trầm cảm.

 

Hậu quả của trầm cảm không được nhận biết


Trước hết là nguy cơ tự sát cao ở người mắc trầm cảm: 10% - 15% người trầm cảm đi đến tự sát. Có nghiên cứu cho thấy 50% bệnh nhân trầm cảm tới bác sĩ khám bệnh 1 tháng trước khi tự sát.

 

Trầm cảm không được nhận biết đã tác động tới nhiều khía cạnh cuộc sống của người bệnh: hoạt động cá nhân và xã hội sút kém, sức khỏe hiện tại và nhận thức giảm, đau nhức cơ thể nhiều hơn. Hoạt động của bệnh nhân suy giảm ngang bằng hoặc tồi tệ hơn những người có một trong tám bệnh nội khoa mạn tính chủ yếu.

 

Số ngày nằm viện của bệnh nhân trầm cảm không được chẩn đoán cao hơn bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và viêm khớp.

 

Bệnh nhân trầm cảm không được chẩn đoán lại thường đến khám bệnh nhiều. Có tới 1/3 số bệnh nhân trầm cảm đi khám bệnh tới 6 lần trong 1 năm. Một nửa trong số họ được dùng thuốc an thần và thuốc ngủ, và chỉ dưới 1/5 số đó được điều trị thuốc chống trầm cảm.

Phòng và chữa bệnh trầm cảm


Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhỏ nhất ở những người xung quanh. Sự cô lập, tách biệt được ví như nguồn năng lượng cho trầm cảm, cho nên hãy chìa tay đón nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh. Hãy để cho gia đình và bạn bè biết mình có vấn đề, mình sẽ vượt qua ra sao và họ cần giúp mình thế nào.


Thay đổi cách sống không phải là công việc dễ làm, song nó có tác động rất lớn đến trầm cảm. Những thay đổi cách sống hiệu quả bao gồm: nuôi dưỡng mối quan hệ trợ giúp, tập thể dục và giữ giấc ngủ đều đặn, ăn uống lành mạnh và đầy đủ, quản lý stress trong cuộc sống, thực hành những kỹ thuật thư giãn và chống lại những kiểu suy nghĩ tiêu cực.


Xây dựng những kỹ năng cảm xúc: Nhiều người thiếu các kỹ năng cần thiết để quản lý stress và giữ thăng bằng cảm xúc. Việc xây dựng những kỹ năng cảm xúc có thể giúp tạo khả năng đương đầu và chống lại những điều bất hạnh, những chấn thương tâm lý và những mất mát trong cuộc sống.


Tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần: Cuối cùng, khi những phương thức trên không đầy đủ hay không hiệu quả, người bệnh trầm cảm cần tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để có được những phương pháp can thiệp và trị liệu khoa học hiện nay.   

 

       
PGS. TS. Nguyễn Văn Thọ

thuocthang.vn Theo SK&ĐS


 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."