0

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), nỗi ám ảnh của phụ nữ

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là những biểu hiện khó chịu gặp ở phụ nữ trước mỗi kỳ kinh nguyệt (7-8ngày). Những triệu chứng như đau lưng, căng vú, đau bụng, nổi mụn... thuộc hội chứng tiền kinh nguyệt tuy không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu và ức chế rất nhiều đối với chị em.

>>> Trục trặc kinh nguyệt, nỗi đáng sợ của chị em

>>> Những loại thuốc “cấm” dùng trong kỳ kinh nguyệt

>>> Bệnh thường gặp liên quan đến chu kì kinh nguyệt 

 

Theo các thống kê mới nhất, trong số những phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chỉ có chưa đến 10% là không bị ảnh hưởng của chu kỳ hoạt động của các tuyến nội tiết. Hơn 50% cảm thấy có những thay đổi nhỏ về tính khí hoặc những cảm giác khó chịu cho cơ thể, vài ngày trước khi thấy kinh. Nhưng khoảng 25% trong tổng số các bà các cô bị những rối loạn tiền kinh nguyệt rõ rệt, từ căng đau ở ngực, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, nổi mụn, đau bụng kinh, buồn nôn, ói mửa cho đến những bực bội thay đổi tính tình…

 

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), nỗi ám ảnh của phụ nữ

 

Hội chứng tiền kinh nguyệt làm cho nhiều phụ nữ thay đổi tính cách

 

Như vậy có đến hàng triệu phụ nữ -những cô gái xinh đẹp, những người vợ, những người mẹ rất bình thường suốt ba tuần lễ trong tháng - lại trở thành những “mụ đành hanh”, đôi khi độc ác trong tuần thứ tư…

 

Trong sách “Hội chứng tiền kinh nguyệt”, bác sĩ người Anh, Katharina Dalton liệt kê rất nhiều triệu chứng hay bệnh xảy ra trong hội chứng tiền kinh nguyệt (trong vòng 7 - 8 ngày trước kinh kỳ): suyễn, động kinh, đau nửa đầu, nổi mề đay, nổi mụn, đau lưng, bón, tiêu chảy, chóng mặt, loét lở trong miệng.

 

Đây cũng là thời kỳ diện mạo thay đổi vì mụn mọc nhiều, mắt có quầng thâm, da nhờn mà tóc lại khô. Sự bế tắc về bài tiết: bụng phình ra, nhũ hoa trở nên lớn và căng đau, mắt cá sưng lên và những người dư ký kiêng ăn vẫn thấy mập ra thay vì giảm cân đi. Những sự kiện trên dẫn đến thay đổi tính tình, có lẽ là gánh nặng lớn nhất mà hội chứng tiền kinh nguyệt đè lên người phụ nữ và gia đình chồng con họ.

 

“Tôi thật xấu hổ vì cách tôi quát mắng con tôi”, một chị nói. Vài người lâm vào trạng thái rầu rĩ, mất ngủ hoặc lúc vui lúc buồn, “tiền hậu bất nhất”. Nhiều người đột nhiên bộc phát hưng phấn cao độ rồi lại đâm ra chán chường ủ rũ… Một số khác lại có triệu chứng tương tự bệnh tâm thần nặng. Các bác sĩ gọi sự xuất hiện triệu chứng này là “suy nhược tâm thần nhẹ”.

 

Nguyên nhân gì tạo ra những thay đổi ấy?

 

Tại sao một số phụ nữ chỉ chịu ảnh hưởng của trận bão ấy chút ít, trong khi những người khác lại bị nó tấn công khủng khiếp? Các nguyên nhân cũng phức tạp như bản thân người phụ nữ vậy. Mỗi tháng hay đúng hơn là mỗi chu kỳ, có một trứng phát triển dưới sự điều hành của nội tiết tố nữ.

 

Nếu gọi ngày bắt đầu có kinh là ngày thứ nhất thì diễn tiến xảy ra của kích thích tố tuyến yên FSH (Follicle-stimulating hormon), LH (Luteinizing hormon) điều hành quá trình hoạt động buồng trứng và sự tiết kích thích tố nữ, kích thích tố nữ estradiol (E) và progesteron (P), sự phát triển của trứng, diễn tiến phát triển niêm mạc tử cung và thân nhiệt thay đổi trong chu kỳ kinh như hình (trang 3).

 

Estrogen, nhất là estradiol, là kích tố nữ làm cho người phụ nữ có nữ tính và trở nên đẹp với những đường cong nữ tính. Progesteron cũng vậy và nó còn có vai trò không cho tử cung co thắt bằng cách ức chế prostaglandin. Trong tuần cuối của chu kỳ ta thấy như trong hình, cả hai kích thích tố nữ estradiol (E) và progesteron (P) đều lên cao nhất, theo lẽ sẽ tốt cho cơ thể nhưng một số phụ nữ bị những tác dụng thái quá hoặc rối loạn của chúng mà trở nên căng thẳng, khó chịu.

 

Mặt khác, khi progesteron xuống thấp nhất là lúc bắt đầu thấy kinh, lúc này prostaglandin lên cao để tạo co bóp tử cung để tống máu kinh ra ngoài và vì không còn sự khống chế của progesteron nên nơi một số người có sự sản xuất quá nhiều prostaglandin nên bị hội chứng đau bụng kinh, khiến hội chứng tiền kinh nguyệt càng trở nên trầm trọng.

 

Trong lúc hành kinh, buồng trứng, nơi sản sinh ra hai kích tố nữ (estrogen và progesteron) tương đối được yên nghỉ: lượng estrogen, nhất là E, hạ xuống thấp nhất và không còn một chút prosgesteron nào được sản sinh ra cả. Ta biết rằng estrogen làm giữ nước lại còn progesteron xoa dịu bằng cách ức chế tác động của prostaglandin, nên khi progesteron không còn nữa thì prostaglandin tha hồ “quậy”, nó làm co thắt tử cung (để tống máu kinh ra), co thắt cả các cơ trơn nên mạch máu bị ảnh hưởng (nhức đầu, chóng mặt), ruột (tiêu chảy), đau lưng, đau bụng kinh… nơi một số người.

 

Những điều đó làm tính khí người phụ nữ thay đổi. Rồi buồng trứng bắt đầu sản sinh ra E2 tăng dần cho đến khi một trứng rụng, vỏ của trứng biến thành hoàng thể cũng tiếp tục tiết ra progesteron chuẩn bị cho thành tử cung đón trứng thụ tinh về làm tổ (nếu gặp tinh trùng). Lượng P (progesteron) tăng dần và lên cao nhất vào khoảng một tuần lễ trước kỳ kinh, sau đó giảm nhanh và triệt tiêu trong ngày kinh xuất hiện.

 

Estrogen trong đó nhiều nhất là estradiol (E) lên đến đỉnh cao, một ngày trước khi trứng rụng, giảm xuống, rồi lại lên cao dần đến đỉnh thứ hai cũng vào tuần cuối trước khi có kinh. Trong cái khuôn mẫu lặp đi lặp lại hàng tháng như vậy, cũng có những biến thể mang tính cá nhân (tùy yếu tố di truyền, thể chất, bệnh tật và hoàn cảnh gia đình nữa), nhiều khi rất khác biệt cả về lượng kích thích tố nữ được sản sinh lẫn tốc độ tăng và giảm của chúng.

 

Phần đông phụ nữ cảm thấy dễ quạu quọ ngay trước ngày hành kinh. Người ta nhận thấy đối với những phụ nữ khá bận rộn công việc và khéo biết tự điều chỉnh, hội chứng tiền kinh nguyệt không phải là vấn đề khó khăn. Nhưng khi khả năng tự kiềm chế bị hạn chế thì bất kỳ một chuyện nhỏ nhặt nào cũng có thể làm nổ ra xung đột lớn. Sự nhạy cảm khác biệt của các tuyến nội tiết cũng có thể là một yếu tố.

 

Các bác sĩ nhận thấy rằng các hội chứng tiền kinh nguyệt ít xảy ra đối với những năm tuổi 20 và trầm trọng hơn trong những năm 30. Lo lắng về tiền bạc, phiền muộn về chồng con, công việc nhà ngán ngẩm hoặc những vấn đề tâm lý sâu xa hơn bắt nguồn từ nhận thức đối với kinh nguyệt và “thân phận đàn bà” cũng có thể là những yếu tố bồi thêm.

 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tính bẳn gắt trước kinh kỳ thường xảy ra trong nhóm phụ nữ có gia đình hơn trong nhóm độc thân. (Lo lắng về chuyện trễ kinh vì cấn thai hay không, có lẽ cũng là một yếu tố thúc đẩy người phụ nữ nổi cơn tam bành!). Một nhà phân tâm học cho rằng, một phụ nữ bình thường chờ đợi kinh nguyệt của mình như một dấu hiệu cho biết mọi sự đều tốt đẹp.

 

Chị ta có thể cảm thấy điều đó hơi phiền phức, nhưng cũng chấp nhận nó như chấp nhận trời mưa, và có đủ sức lực để chịu đựng những thăng trầm đi kèm theo nó. Nhưng nếu một phụ nữ không thừa nhận được sự yếu đuối nữ tính ấy, chị ta có thể miễn cưỡng đi lau chùi nhà cửa và thế là làm tăng gấp đôi khả năng sinh bẳn gắt trong hội chứng tiền kinh nguyệt.

 

Một sự căng nhức ở nhũ hoa tiền kinh nguyệt, có thể xem như bình thường ở người này, mà trở nên khó chịu hay gây quạu quọ ở người đang bị quá tải tâm lý. Mặc dù cũng còn một vài bí ẩn trong hoạt động nội tiết nơi nữ giới, nhưng những tiến bộ gần đây cho phép thầy thuốc có những lời khuyên xác đáng để giải tỏa những rắc rối trong hội chứng tiền kinh nguyệt.

 

Nếu bạn cảm thấy hơi mệt mỏi hoặc bực bội trong một hai ngày ở giai đoạn cuối của chu kỳ, có lẽ bạn là một trong số 10% phụ nữ may mắn được thanh thản đón nhận kỳ kinh của mình. Nhưng nếu có rắc rối hục hặc trong gia đình lại trùng hợp với những bực bội trong bản thân bạn, có lẽ tốt hơn bạn nên lập biểu đồ bằng cách ghi sổ những trận cãi vã với người nhà, hờn giận chồng con so với vài chu kỳ kinh.

 

Nếu những biến cố khó chịu này tập trung vào tuần cuối chu kỳ kinh, bạn có quyền nghi ngờ rằng nguyên nhân gây ra chính là sự căng thẳng trước kỳ kinh. Nếu một số biến cố tập trung vào nhóm thứ hai trùng hợp vào giữa kỳ kinh, rất có thể bạn thuộc nhóm nhỏ phụ nữ chịu cả sự hồi hộp, kích động trong thời kỳ rụng trứng.

 

Ngành tư pháp ở vài nước Âu Mỹ hiện nay đã có những điều khoản “thông cảm” cho phụ nữ nếu phạm tội trong những ngày tiền kinh nguyệt, nếu như tiền sử của họ được các bác sĩ ghi nhận, có bị hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng ở đây chúng ta nên hiểu rằng mọi người trong gia đình nên thông cảm cho người phụ nữ trong những giai đoạn đó mà không gây thêm phiền muộn cho họ. Chỉ cần người phụ nữ tự nhận thức được rằng họ bị căng thẳng tiền kinh nguyệt hành hạ là đã có thể giảm đi mức trầm trọng phần nào.

 

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), nỗi ám ảnh của phụ nữ

Thể dục, tạo tâm lý thoải mái giúp phụ nữ giảm khó chịu trước kỳ kinh

 

Thí dụ họ sẽ khỏi phải lo lắng rằng họ đang hóa khùng và tin tưởng rằng vài ngày rồi sẽ qua đi. Trong khi đó cố lướt qua trận bão bằng cách tránh bớt những ức chế không cần thiết. Họ sẽ liếc nhìn những ngày có khoanh tròn dự kiến kỳ kinh trước khi muốn làm việc quan trọng. Hội chứng tiền kinh nguyệt nhất định phải được thảo luận với người thân, nhất là chồng họ, dù rất có thể anh ta đã biết rồi. Chỉ việc nói với người thân rằng mình ân hận về sự mất bình tĩnh nào đó trong cách cư xử là đã có thể làm dịu đi mặc cảm tội lỗi và cảm giác chán chường thường đi kèm theo đó. Nhưng đừng trút hết lên vai anh ta những gì là căn bản của bạn và phải tỏ ra chân thực, không mượn những ngày này để làm cái cớ để mà cằn nhằn, cáu kỉnh.

 

Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng sự ân ái với chồng trong những ngày tiền kinh nguyệt sẽ làm giảm căng thẳng đáng kể những rắc rối của người bị rối loạn tiền kinh nguyệt. Tuần lễ cuối của kỳ kinh cũng là thời kỳ “an toàn” trong phương pháp ngừa thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Nếu người phụ nữ bị chứng đau bụng kinh, có thể nhờ bác sĩ kê toa cho một trong các thuốc kháng viêm không steroid (indomethacin, diclofenac, ibuprofen, naproxen, ketoprofen, acid mefenamic hoặc 1 viên Fulton Antidouleur).

 

Chẳng hạn khi cảm thấy sắp đau bụng kinh, uống 1 viên (một trong các thuốc vừa nêu uống chung với ly sữa hoặc uống lúc bụng no để khỏi bị xót dạ dày) là có thể cắt được cơn đau bụng kinh. (5 giờ sau, nếu còn cảm giác đau thì uống thêm 1 viên nữa là xong chu kỳ ấy). Và như thế sẽ giải tỏa dễ dàng cho người phụ nữ những “khổ đau” không cần thiết.

 

Sự giữ nước, lên cân ở giai đoạn tuần cuối kỳ kinh, có thể được giảm đi nếu bạn uống mỗi ngày 1 viên sinh tố B6 trong tuần cuối chu kỳ kinh. Ngoài ra cũng nên giảm muối (không ăn mặn) trong giai đoạn này nếu cảm thấy lên cân nhiều, ăn nhiều rau quả tươi, ăn uống điều độ và không nhất thiết phải kiêng cữ một món nào. Trong số những phụ nữ bị sự rối loạn nhiều trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, nếu có ý định ngừa thai thì thuốc viên là phương pháp có ích vừa giúp ngừa thai vừa giảm được hội chứng tiền kinh nguyệt.

 

Tóm lại, những gì “thay đổi thời tiết” nơi người phụ nữ hàng tháng, nếu trước đây có nhà thơ viết rằng “nắng mưa là bệnh của trời” đương nhiên xảy ra và không đoán trước được thì nay người ta có thể dự báo được “thời tiết” ấy và có thể giảm thiểu những khó khăn cho người phụ nữ ấy bằng vài viên thuốc mỗi tháng là êm đẹp mọi chuyện.

 

 

BS. Hoàng Phước - BS. Vĩnh Phúc

 

thuocthang.vn

 

 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."