0

Phòng chống tiêu chảy mùa nắng nóng

Thời tiết mùa hè nóng nực, đây là điều kiện rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây tiêu chảy bùng phát và xâm nhập qua thức ăn, đồ uống. Bệnh thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm, thức ăn bán ở vỉa hè, đường phố, cỗ bàn,…

>>> Chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy

>>> Tiêu chảy dùng thuốc thế nào?

>>> Thận trọng với rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ

 

Phòng chống tiêu chảy mùa nắng nóngCác tác nhân gây tiêu chảy mùa hè

 

Tiêu chảy do độc tố của vi khuẩn trong thức ăn. Có hai loại:

 

- Do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella. Bất kỳ thực phẩm tươi như: thịt lợn, thịt gia cầm, sữa, trứng, hải sản, rau quả đều có thể chứa vi khuẩn Salmonella.

 

 Trong vòng từ 12 - 36 giờ sau khi ăn người bệnh thấy có dấu hiệu sốt đột ngột, đau bụng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước. Phân đôi khi có nhầy, máu, gần giống với phân do hội chứng lỵ. Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.

 

- Do ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn và chính độc tố này gây bệnh (độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium Perfringens, Clostridium Botulinum, Bacillus cereus và Vibrio Parahaemolyticus). Biểu hiện tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong.

 

Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn: Do vi khuẩn Shigella gây ra, các triệu chứng của bệnh là đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay như nước rửa thịt, sốt. Do các chủng Escherichia Coli (E. Coli): Có 3 chủng có thể gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi. Gồm các chủng: E. Coli gây bệnh lý ruột; E. Coli độc tố xâm nhập ruột; E.Coli độc tố gây chảy máu ruột. Nguồn lây là thức ăn và nước.

 

Tiêu chảy do tả: Do vi khuẩn Vibrio cholerae gây nên. Biểu hiện lâm sàng đi ngoài nhiều lần/ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

 

Bệnh tiêu chảy nặng hay nhẹ tùy thuộc vào cơ thể bị nhiễm vi khuẩn nhiều hay ít. Biểu hiện đầu tiên là người bệnh đi ngoài liên tục, mất nước, có thể bị sốt nhẹ, nặng hơn sẽ có các biểu hiện cơ thể suy kiệt, mắt trũng, nôn mửa... có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

 

Phòng bệnh không khó

 

Vì tác nhân gây tiêu chảy vào cơ thể theo đường ăn uống nên biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất vẫn là thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thật tốt, chọn thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…

 

Vệ sinh cá nhân, môi trường: Nhiệt độ nắng nóng rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc, ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống.

 

Do đó cần phải vệ sinh môi trường, sử dụng nhà vệ sinh hợp lý, quản lý phân, chất thải thật tốt, vệ sinh nhà cửa thường xuyên để loại bỏ nấm mốc và các loại côn trùng có thể tiếp xúc, xâm nhập qua đồ ăn, thức uống gây bệnh. Sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt và ăn uống, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

 

Sử dụng, chế biến thực phẩm an toàn: Lựa chọn thực phẩm còn tươi sống tại các cơ sở có uy tín, tránh mua những thực phẩm có màu sắc quá khác biệt so với thực phẩm cùng loại. Ví dụ: rau quá xanh, thịt quá đỏ,… Hạn chế mua những thức ăn chế biến sẵn. Rau quả phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm.

 

Ăn chín, uống sôi: Cần thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đồ ăn thức uống phải đậy kỹ. Nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng dễ biến đổi chất và có thể bị vi khuẩn xâm nhập. Tuyệt đối không ăn thức ăn đã ôi thiu, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, hạn chế ăn thức ăn đường phố, không uống các loại nước giải khát bán dạo, không bảo đảm vệ sinh; không nên ăn rau sống, không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi,…

 

Phòng chống tiêu chảy mùa nắng nóng


Làm gì khi bị tiêu chảy?

 

Khi bị tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng nước và hệ vi sinh đường ruột.

 

Người bệnh nên ăn các món ăn dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như súp, cháo: cháo muối, cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt…; uống nhiều nước như: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước sôi để nguội.

 

Cần tránh các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây quá ngọt gây khó tiêu, đầy bụng; Uống dung dịch oresol để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân, pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc. Sau đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, đề phòng biến chứng nguy hiểm. Tuyệt đối không uống thuốc cầm tiêu chảy, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh,… vì sẽ làm các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm. Không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

 

 

Bác sĩ Vũ Minh

 

 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."