0

Các thể đau đầu thường gặp

Một trong những chứng bệnh thông thường nhất, đôi khi cũng là nghiêm trọng nhất mà rất nhiều người mắc phải trong cuộc sống hằng ngày, đó chính là đau đầu. Đau đầu cũng có thể là triệu chứng thường gặp của một số bệnh thường gặp.

 

>>> Những dạng đau đầu ác tính

>>> Đau đầu và Các dạng đau đầu thường gặp

>>> Đau đầu do thói quen không tốt

 

Đây có thể là triệu chứng nhẹ thoáng qua, nhưng cũng có thể đau dữ dội, thậm chí trong một số bệnh thần kinh, cường độ đau đầu có thể làm bệnh nhân không thể chịu đựng nổi dẫn đến ý định tự tử.

 

 

Vậy đau đầu là gì?

 

Có thể nói một cách đơn giản nhất, đau đầu (ta thường quen gọi là nhức đầu) là bệnh ở vùng đầu và mặt. Người mắc bệnh đau đầu cảm thấy đầu óc choáng váng, đau đớn, nhức nhối hoặc nóng ran khắp vùng đầu.

 

Cơ chế của đau đầu khá phức tạp, có thể kể ra một số cơ chế sau:

 

- Sự co kéo của các tĩnh mạch đi tới các xoang tĩnh mạch não.

 

- Sự co kéo của các động mạch màng não.

 

- Sự co kéo của các động mạch ở đáy não và các nhánh.

 

- Sự giãn và căng các động mạch nội sọ.

 

- Sự viêm nhiễm tại chỗ hoặc quanh các tổ chức có cảm giác đau.

 

- Sự chèn ép trực tiếp các dây thần kinh sọ não dẫn truyền cảm giác và các rễ thần kinh cổ.

 

Các dạng bệnh đau đầu

 

Đau đầu do căng cơ: Đây là dạng bệnh phổ biến nhất, là hậu quả của sự căng ra của các cơ trên vùng đầu và cổ. Nhức đầu do căng cơ có thể là hậu quả của các chấn thương tâm lý (stress) hoặc mệt mỏi cơ thể hay là hậu quả của sự lo âu buồn phiền kéo dài...

 

Đau đầu do tăng huyết áp: Xảy ra ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp. Nhẹ thì cảm giác nặng đầu, váng vất, nóng bừng. Nặng thì đau dữ dội như có cảm giác bị bóp nghẹt đầu. Triệu chứng đau đầu thường hết hoặc giảm đi song song với việc điều trị kiểm soát huyết áp.

 

Đau nửa đầu (còn gọi là migraine): Rất hay gặp ở nữ giới với đặc điểm đau một nửa bên đầu thành từng cơn, tái diễn có chu kỳ kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nôn; hoa mắt, tê cóng tay chân; rối loạn thị giác.

 

Trước khi đau đầu thường bệnh nhân có các dấu hiệu báo trước (như rối loạn tiêu hóa, thay đổi khí sắc, kích thích thần kinh - hay gặp nhất là chứng mất ngủ, bồn chồn, căng thẳng đầu óc...); hoặc các triệu chứng thoáng qua.

 

Hầu hết các bệnh nhân bị migraine đều có yếu tố khởi phát; các yếu tố này có thể đơn độc hoặc phối hợp với nhau như:

 

Yếu tố tâm lý: stress tâm lý, lo lắng, xúc cảm mạnh.

 

Yếu tố nội tiết: tăng lên ở chu kỳ kinh nguyệt, tuổi dậy thì; tuổi tiền mãn kinh hoặc phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Ngược lại, migraine thường mất đi khi có thai và gần như không gặp ở thời kỳ mãn kinh.

 

Yếu tố môi trường: thay đổi thời tiết, khí hậu; thay đổi chỗ ở, nghề nghiệp lao động, tiếng ồn...

 

Một số yếu tố khác như rối loạn tiêu hóa, giác quan (mùi vị, tiếng động, ánh sáng quá mức...), dị ứng một số loại thức ăn, thuốc (đặc biệt một số thuốc tránh thai có thể là căn nguyên gây nên chứng đau nửa đầu)...

 

 

 

Đau đầu do tai biến mạch máu não: Đi kèm với các triệu chứng thần kinh khu trú, như liệt không hoàn toàn hoặc nửa người; liệt dây thần kinh sọ não (liệt mặt gây méo miệng...), có thể có rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau.

 

Đau đầu hầu như gặp ở 100% các bệnh nhân có xuất huyết não (người ta hay gọi thành tam chứng - đau đầu, nôn và rối loạn ý thức), đặc biệt thể xuất huyết dưới màng nhện. Tuy nhiên triệu chứng đau đầu sẽ bị che lấp nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức đi kèm.

 

Đau đầu do khối u ở não: Thường là đau đầu có tính chất kéo dài và nặng dần. Giai đoạn đầu người bệnh thường đau âm ỉ, không liên tục xảy ra vào ban đêm làm cho người bệnh phải thức dậy. Giai đoạn sau thường kèm theo các dấu hiệu của tăng áp lực sọ não như buồn nôn và nôn, giảm thị lực hoặc kèm theo các dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt chi thể, liệt dây thần kinh sọ não...

 

Đau đầu do căn nguyên màng não: Đau lan tỏa nhưng chủ yếu ở vùng gáy. Thường kèm theo nôn mửa và táo bón, kiểm tra có thể thấy dấu hiệu cứng gáy. Những trường hợp nặng có thể kèm theo rối loạn ý thức.

 

Đau đầu sau chấn thương sọ não: Có thể xuất hiện sớm hay sau khi bị chấn thương, cũng có khi muộn sau vài tháng. Cơ chế là do xuất huyết màng não, tăng hoặc giảm áp lực sọ não. Đau đầu muộn thường do sự tích tụ máu ở khoang dưới nhện hoặc bọc máu dưới màng cứng mạn tính.


Đau đầu do các bệnh lý xoang vùng mặt hàm: Thường kèm theo các triệu chứng khác như sốt, chảy mủ xuống họng gây viêm họng, ngạt mũi...

 

Đau đầu do viêm động mạch thái dương (còn gọi là bệnh Horton): Cảm giác đau buốt nhức theo mạch đập ở vùng thái dương, lan ra vùng trán và hốc mắt cùng bên, vùng đỉnh đầu và vùng gáy.

 

Bệnh nhân thường có cơn kịch phát với triệu chứng đau đầu dữ dội kéo dài vài ba tiếng, vài cơn/ngày làm cho người bệnh rất lo sợ. Trong cơn đau, sờ thấy động mạch thái dương cứng, dày, đập yếu hoặc không đập; nhìn thấy động mạch thái dương gồ đỏ, ngoằn ngoèo.

 

Đau đầu thường kèm theo sốt, đau nhức các khớp, ăn kém, suy nhược và sức khỏe chung bị giảm sút. Với những bệnh nhân trên 50 tuổi, có sốt và đau đầu kéo dài mà không tìm thấy căn nguyên phải nghĩ đến bệnh Horton và làm sinh thiết động mạch thái dương để chẩn đoán xác định.

 

Đau đầu do dị ứng: Thường là do dị ứng thời tiết với khởi đầu bằng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mắt... Điều trị bằng các thuốc chống dị ứng rất có hiệu quả.

 

Đau đầu do căn nguyên tâm lý: Hay còn gọi là đau đầu căng thẳng. Thường phát hiện thấy yếu tố tâm lý rõ ràng hoặc do quá lo lắng về bệnh tật dẫn đến mất cân bằng về cảm xúc và sự phản ứng của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức.

 

Người bệnh thường cảm thấy đau đầu khi tỉnh giấc, khi ngủ dậy và tăng lên trong ngày. Vị trí đau đầu hay gặp ở vùng đỉnh đầu, vùng chẩm và vùng nối giữa cổ - chẩm. Tính chất đau thường kéo dài, tiến triển mạn tính; rất ít có cơn đau dữ dội như migraine và không kèm theo các dấu hiệu thần kinh khu trú.

 

 

TS. Nguyễn Ngọc Hà

 

thuocthang.vn

 

 

Tin mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục

Detocap

 

Zulap

 Lưu huyết minh 

x

 

"Mời để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Mọi thông tin hoàn toàn bảo mật."